start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
Xã hội

Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ: Nơi lan tỏa thông điệp về tình người

22/05/2021 22:00
Màu chữ Cỡ chữ

Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm) tiền thân tên gọi trại Trần Việt Châu - là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐTBXH, được ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên. Trung tâm tọa lạc tại khu vực Bình Hòa A, phường Phước Thới, quận  Ô Môn với tổng diện tích hơn 2 ha, được xây dựng khang trang, chia thành 04 khu chức năng chuyên biệt như khu hành chính, khu nhà ở, khu y tế, công viên giải trí.

Quy mô của Trung tâm đã khiến nhiều người sống lang thang khi được các cơ quan chức năng cưỡng chế tập trung về đây, ngỡ ngàng thốt lên: “Tôi tưởng sống lang thang gầm cầu, vỉa hè bị công an bắt nhốt, nào ngờ lại được cho ở nhà lầu sang trọng. Sao giống như trong chiêm bao!".

Ông Huỳnh Văn Sánh - Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm Bảo trợ xã hội Cần Thơ không chỉ là “ngôi nhà chung” bảo trợ xã hội, mà còn được biết đến là điểm tựa cho người già cô đơn, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Do nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, lại chênh lệch về độ tuổi, mắc nhiều bệnh tật, số đối tượng phải chăm sóc, phục vụ tại chỗ ngày càng nhiều nên công việc ở trung tâm vô cùng vất vả.

Hiện tại, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 596 người thì trong đó có đến 505 người mắc các bệnh về tâm thần kinh, không nơi nương tựa. Nuôi dưỡng, chăm sóc người lang thang, cơ nhỡ đã cực thì việc chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người mắc bệnh tâm thần nỗi cơ cực phải nhân lên gấp nhiều lần.

Ông Huỳnh Văn Sánh - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Cần Thơ 

Hướng dẫn người được bảo trợ xã hội tại Trung tâm tập vật lý trị liệu

Theo ông Sánh, người mắc bệnh tâm thần như sống trong một thế giới khác, nó hỗn độn và không theo bất kỳ một trật tự nào. Chính điều đó đã khiến họ mất khả năng tự bảo vệ nhưng lại trở thành mối nguy hiểm cao độ cho cộng đồng. Việc chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho họ đòi hỏi ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ còn phải có kỹ năng xử lý tình huống nhạy bén.

Người tâm thần chơi cờ tướng giải trí, chống nhiễu loạn tâm lý

Chị Huỳnh Thị Phượng - Phó Trưởng phòng Hành chính của Trung tâm kể: Có những người khi mới tập trung về Trung tâm bộ dạng họ rất thảm thương, quần áo rách rưới, râu tóc rối bù, ghẻ lở đầy mình… Nhân viên của Trung tâm phải tắm gội, thay quần áo, cắt tóc, thoa thuốc cho từng người. Những người bị liệt phải cần tới 2 - 3 người nâng đỡ để vệ sinh cá nhân, những cụ già vừa lẫn vừa khó tính thường “làm mình làm mẩy” vô cớ chửi bới, những trẻ nhỏ vài tháng tuổi bị bệnh nặng, khát sữa mẹ quấy khóc đêm ngày... nhưng những người làm việc tại trung tâm vẫn luôn cảm thông và hết lòng chăm sóc, phục vụ.

“Chỉ những người biết cảm thông, yêu thương, xem đối tượng như người thân trong gia đình thì mới “bám trụ” lâu dài với những công việc không tên như vậy” - chị Phượng nói.

Nhân viên Trung tâm chăm sóc người bệnh tâm thần.

Bên cạnh tình yêu thương, CBNV của Trung tâm còn có kỹ năng xử lý tình huống khéo léo. Khi có người dứt khoát không chịu uống thuốc bởi ám ảnh mình đang bị đầu độc. Nhân viên Trung tâm nảy ra sáng kiến bơm thuốc vào chai nước suối rồi rủ họ “giải khát”. Hay như trường hợp nữ bệnh nhân không chịu vệ sinh hằng ngày, cán bộ nữ của Trung tâm phải vào vai người bạn thân thủ thỉ dỗ ngọt, chia sẻ về cách làm đẹp, giữ vệ sinh cá nhân.

Theo số liệu thống kê trong quý 1/2021, Phòng y tế của Trung tâm đã khám và điều trị bệnh thông thường cho hơn 3.500 lượt người. Phát thuốc điều trị bệnh tâm thần 91.466 lượt bệnh nhân. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế quận Ô Môn tầm soát bệnh lao và HIV/AIDS. Qua đó, đã phát hiện và điều trị theo phác đồ cho 09 bệnh nhân lao, 03 bệnh nhân nhiễm HIV/AISD.

Ngoài việc được chăm sóc chu đáo về y tế, những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm còn được hỗ trợ phục hồi chức năng, chống nhiễu loạn tâm lý bằng nhiều hình thức như: lao động nhẹ, chăm sóc cây kiểng, hướng dẫn tập vật lý trí liệu, chơi cờ tướng, xem biểu diễn văn nghệ…

Bộ phận tiếp phẩm của Trung tâm được giao nhiệm vụ thường xuyên cải tiến, thay đổi thực đơn phù hợp với tiêu chuẩn tài chính, cung cấp bữa ăn đúng giờ, lưu mẫu thức ăn chống ngộ độc thực phẩm. Việc nhân viên Trung tâm phải bón từng muỗng cơm cho người được bảo trợ để họ chịu ăn hết khẩu phần là “chuyện thường ngày ở huyện”. Được biết, bắt đầu từ ngày 1/7 tiêu chuẩn ăn hàng ngày của những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm sẽ được tăng theo tinh thần Nghị định số 20 nhằm đảm bảo dinh dưỡng, bù trượt giá.

Giờ lao động nhẹ, chăm sóc vườn rau tại Trung tâm

"Mỗi năm, đều có nhiều người lang thang, cơ nhỡ sau khi tái hòa nhập cộng đồng, làm ăn khấm khá đã quay về cảm ơn Trung tâm và gửi quà trợ giúp lại cho những người một thời họ đồng cảnh ngộ. Chúng tôi rất mừng khi thấy họ tái hòa nhập đời sống xã hội thành công. Sắp tới, Trung tâm sẽ được mở rộng thêm 1.2 ha, nâng tổng diện tích Trung tâm lên đến hơn 3.6 ha. Đây là công trình được thành phố bổ sung đầu tư cho Trung tâm trị giá trên 45 tỉ đồng.

Sau khi đưa vào hoạt động, nơi đây sẽ trở thành một trong những Trung tâm Bảo trợ xã hội hàng đầu khu vực. Điều này chứng tỏ công tác bảo trợ, an sinh xã hội trong tiến trình phát triển hài hòa của đô thị trung tâm ĐBSCL được lãnh đạo địa phương quan tâm đúng mức."  - Giám đốc Trung tâm Huỳnh Văn Sánh chia sẻ.

Tạp chí Gia đình Việt Nam

Các tin khác

Thông tin tuyên truyền;thongtintuyentruyen

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Liên kết website;lienketwebsite

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Hoạt động của lãnh đạo Bộ;hoatdongcualanhdaobo

Display portlet menu
end portlet menu bar
Đang online: 3
Tổng truy cập: 2298