Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin cơ hội việc làm trong và ngoài nước, giúp các em học sinh, sinh viên tiếp cận được thông tin và lựa chọn công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Ngày hội đóng vai trò là cầu nối thông tin giữa các em học sinh, sinh viên, phụ huynh với hơn 20 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Thông qua hoạt động này, học sinh, sinh viên được cung cấp, trao đổi thông tin về xu hướng đào tạo nghề, nhu cầu thị trường lao động và hướng nghiệp, giúp các em chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số. Từ đó có các quyết định đúng đối với lựa chọn nghề nghiệp, chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Phát biểu sự kiện, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết: Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có công tác giáo dục nghề nghiệp thông qua việc ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường và đa dạng hóa; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nghề được quan tâm đầu tư, phát triển rộng khắp, đa dạng; chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, phát biểu tại ngày hội.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, thành quả lớn nhất từ các quyết sách, định hướng của lãnh đạo thành phố, đó là nhận thức của xã hội, nhất là các doanh nghiệp và bản thân thanh niên về giá trị kỹ năng nghề thay đổi theo hướng tích cực; gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng ngày càng được phát triển. Quy mô đào tạo của cả hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ khoảng 45.000 - 50.000 người/năm, trong đó quy mô đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp từ 10.000 - 11.000 người/năm. Các nghề đào tạo ngày càng đa dạng hóa, hiện nay có 84 nghề được triển khai đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 59 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 25 nghề đào tạo trình độ trung cấp.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/12/2021 về Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; Chương trình số 24-CTr/TU ngày 31/12/2021 về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình số 25-Ctr/TU ngày 31/12/2021 về Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp…
Đặc biệt, tại Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố có các chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ học phí 500.000đồng/người/tháng đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tham gia học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ học phí từ 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng/người/khóa đối với người học nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; hỗ trợ vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 100% chi phí nhưng không vượt quá 100 triệu đồng.
“Đây là những chủ trương, cơ sở pháp lý hết sức cơ bản để phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp của thành phố trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của thị trường lao động, của đơn vị sử dụng lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng, chất lượng cho doanh nghiệp và thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị”, bà Trần Thị Xuân Mai khẳng định.